Sàn giao dịch bất động sản
Tin tức nhà đất Hà Nội

Sốt đất 5 huyện của Hà Nội sắp lên quận: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Đông Anh đã lặng sóng, đất Gia Lâm tiếp tục sôi động

26/12/2020 ,15:04
Cuối năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025. Đón nhận thông tin này, thời điểm cuối năm 2019 đầu năm 2020 bất động sản tại 5 huyện này diễn biến khá trái ngược.

Ổn định nhất phải kể đến thị trường bất động sản Hoài Đức và Đông Anh. Dường như thông tin Hoài Đức lên quận vào cuối năm 2020 và Đông Anh lên quận trước 2025 không có nhiều tác động đến thị trường BĐS nơi đây thời điểm cuối năm 2019 đầu 2020.

Theo đội ngũ môi giới lâu năm tại hai khu vực này, nguyên nhân của tình trạng trên là bởi những thông tin về việc Hoài Đức lên quận đã rầm rộ từ giai đoạn 2017-2019, đẩy giá BĐS tại đây tăng mạnh.

Còn tại Đông Anh, BĐS khu vực này đã liên tục sốt theo thông tin các siêu dự án lớn dọc trục Nhật Tân - Nội Bài giai đoạn 2018-2019, chính vì vậy hiện nhà đất Đông Anh không những không tăng mà còn đang bước vào giai đoạn giảm tốc sau giai đoạn sốt nóng.

Thị trường nhà đất Đan Phượng và Thanh Trì đón nhận thông tin lên quận chủ yếu "hưng phấn" về mặt tâm lý. Việc tăng giá đất chỉ ở quanh mức 3-10%, cao hơn một chút so với mức tăng hàng năm. Nguyên nhân bởi tại hai khu vực này, hạ tầng giao thông chưa có sức đột phá, bên cạnh đó chưa có dự án BĐS lớn trên địa bàn khiến giới đầu tư không mặn mà.

Khảo sát cho thấy, giá đất ở bình quân tại khu vực Thanh Trì dao động từ 15 - 70 triệu đồng/ m2, tùy từng vị trí. Trong đó, khu vực “hot” nhất Thanh Trì là mặt đường khu vực Ngọc Hồi - Văn Điển, mức giá dao động từ 50 - 80,5 triệu đồng/ m2.

Đối với khu vực Đan Phượng, giá đất bình quân dao động từ 20 - 50 triệu đồng. Đối với các trục đường chính dọc theo Quốc lộ 32 có mức giá từ 40 - 70 triệu đồng/ m2. Đây cũng là khu vực có mức giá cao nhất trong huyện Đan Phượng.

Khác hoàn toàn với 4 quận trên, Gia Lâm là khu vực có thị trường BĐS đón nhận thông tin lên quận sôi động nhất. Theo anh Phạm Thắng, giám đốc một sàn BĐS thổ cư tại Kiêu Kỵ, Gia Lâm kể từ đầu năm 2019 trở lại đây giá bất động sản tại Gia Lâm tăng không ngừng.

Khảo sát cho thấy, giá nhà đất tại khu vực huyện Gia Lâm đã tăng bình quân từ 10 - 15%, ở những khu vực có các dự án lớn, giá nhà đất còn tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm 2019.

Cụ thể, giá nhà đất bình quân của Gia Lâm dao động từ 15 - 60 triệu đồng, tùy từng khu vực và vị trí so với mức cách đây 1-2 năm là 10 - 30 triệu đồng/ m2.

Khu vực "hot" nhất huyện Gia Lâm thuộc về một số trục đường chính, gần với một số dự án "siêu" đô thị cao cấp như: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá hay Trâu Quỳ, giá đất nền đã lên mức 50 - 60 triệu đồng/ m2. Thậm chí, một số dự án bất động sản cao cấp còn rao bán tới 100 - 150 triệu đồng/ m2.

Giải thích đà tăng mạnh của BĐS Gia Lâm, anh Thắng cho biết hạ tầng giao thông Gia Lâm gần đây liên tục được đẩy mạnh bởi loạt dự án mới, bên cạnh đó siêu dự án Vinhomes Ocean Park với quy mô lên đến vài trăm ha đang rầm rộ triển khai và hoàn thiện đã tạo tác động kép khiến đất Gia Lâm tăng giá.

"Tại Gia Lâm đang hình thành khu trung tâm tiện ích lõi tại Vinhomes Ocean Park. Đây chính là nguyên nhân khiến giá BĐS xung quanh, thậm chí ngay trong khu đô thị này tăng giá mạnh mẽ trong thời gian vừa qua", anh Thắng cho biết.


Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020 một loạt dự án hạ tầng lớn đang được cấp tốc triển khai sẽ tạo những thay đổi đột phá cho hạ tầng giao thông, đô thị tại huyện Gia Lâm, khiến giá BĐS tại đây có thể còn tiếp tục tăng.

Các dự án này có thể kể đến như nút giao Cổ Linh với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa được khởi công đầu năm 2020, cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng vốn 2.561 tỷ đồng cũng chuẩn bị được xây dựng.

Cùng với đó, 2 cầu vượt qua đường Đông Dư - Dương Xá, xây dựng 2 đường nhánh lên xuống cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang đề xuất được đầu tư sẽ kết nối đồng bộ giao thông kết nối các khu vực huyện Gia Lâm với trung tâm tiện ích mới.

Cùng với các dự án này, trong lộ trình chuẩn bị để nâng cấp Gia Lâm thành quận, thời gian qua, Hà Nội đã phê duyệt và khởi công xây dựng nhiều tuyến đường huyết mạch. Cụ thể, thành phố đã triển khai 414 dự án trên địa bàn Gia Lâm với số vốn hơn 1.690 tỷ đồng.

Các chuyên gia đánh giá, Gia Lâm hiện đang là khu vực có hạ tầng giao thông, đô thị phát triển nhanh. Những nỗ lực của cả chính quyền và doanh nghiệp đã tạo nên mảnh ghép quan trọng trong bức tranh phát triển tổng thể, đưa Gia Lâm trở thành một trung tâm mới hiện đại và sầm uất của phía Đông Thủ đô.

Nhận định về BĐS Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, mức tăng nhà ở tại khu vực Gia Lâm hiện nay là chấp nhận được, các nhà đầu tư mới vẫn có cơ hội tham gia vào thị trường bất động sản tại khu vực này.

Bên cạnh đó, khu vực Gia Lâm đang nhận rất nhiều dự án bất động sản "khủng", từ đó sẽ là động lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề cho sự phát triển bất động sản trong tương lai.

"So với mặt bằng chung của thị trường bất động sản, khu vực đất ở tại Gia Lâm tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây, song mức tăng hiện nay chưa có dấu hiệu sốt ảo hoặc tạo thành bong bóng bất động sản. Nên việc đầu tư là có tiềm năng", ông Đính nói.

Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư tại 5 quận chuẩn bị lên quận, đặc biệt là Gia Lâm, bà Đỗ Thu Hằng - Trưởng phòng nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết trong bối cảnh đô thị hoá, đây chính là các thị trường có dư địa để phát triển và để Bất động sản tăng giá, nhiều hơn là các thị trường đã ổn định.

Tuy nhiên, khi chọn mua nhà đầu tư nên lựa chọn những sản phẩm rõ ràng về pháp lý, có tiềm năng tăng giá.